Phật giáo từ xa xưa đã trở thành tín ngưỡng tốt đẹp, hướng con người đến cái thiện của người dân Việt Nam ta. Nên sẽ không quá bất ngờ, khi ở nước ta những ngôi chùa đại diện cho chốn linh thiêng của nhà Phật lại nhiều và cổ kính đến thế. Một trong những biểu tượng của nhà Phật với công trình kiến trúc vừa cổ điển vừa độc đáo phải kể đến Chùa Bái Đính. Hãy để Top Ninh Bình AZ dắt tay bạn đi khám phá vẻ đẹp linh thiêng của ngôi chùa lớn nhất Việt Nam này nhé!
Giới thiệu đôi nét về chùa Bái Đính
Vị trí địa lý chùa Bái Đính ở đâu?
Toạ lạc ở núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nằm yên bình ở dãy núi lớn, có vị trí tương đối đắc địa khi chỉ cách khu vực cố đô Hoa Lư khoảng chừng 5km và khu du lịch Tràng An tầm 11km.
Chùa Bái Đính là một phần của quần thể di sản thế giới kép Quần thể danh thắng Tràng An, đồng thời là ngôi chùa gắn liền với ba triều đại phong kiến lớn ngày trước bao gồm: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý trước khi dời đô.
Lịch sử hình thành chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính đã tồn tại hơn 1000 năm qua giữa vùng đất cố đô này, gắn liền với với ba triều đại phong kiến lớn của nước ta giai đoạn trước, bao gồm nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Chùa được xây dựng từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Chung quanh chùa còn có vô vàn những công trình kiến trúc đẹp và có ý nghĩa tâm linh như Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Bàn thờ Thánh Cao Sơn,…
Chùa là nơi gắn liền với những giai thoại và các tích xưa cũ về Thiền sư Nguyễn Minh Không vang danh khắp trời Nam ngày trước. Chính ông là vị cao tăng đặt nền móng cho Phật giáo, đồng thời cho tiến hành xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật tại nơi này.
Tương truyền rằng vào thời Lý, Đức Thánh Nguyễn Minh Không đã đến núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua. Ông nhận ra rằng đây là vùng đất tiên cảnh, có thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật. Ngoài ra, rừng núi nơi đây cũng có vô vàn cây thuốc quý, thế nên ông đã quyết định dừng chân và xây chùa tại đây.
Sở dĩ chùa được đặt tên là Bái Đính là bởi vì, theo quan niệm người xưa, Bái có nghĩa là lễ bái, cúng bái đất thời, Tiên Phật. Trong khi đó, Đính lại có nghĩa là đỉnh, là tọa lạc nơi cao. Bởi thế nên Bái Đính chó nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ngự ở trên cao.
Ngoài ra, tên chùa còn có ý nghĩa là hướng về núi Đính – ngọn núi gắn liền với những sự kiện oai hùng của lịch sử nước ta thời kỳ trước. Dẫu thời gian thoi đưa, dẫu vùng đất này đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước nhà thì Chùa Bái Đính vẫn oai linh đứng vững mặc cho sương gió bụi trần.
Kiến trúc độc đáo của quần thể chùa Bái Đính
Cho đến nay, quần thể chùa Bái Đính gồm có một khu chùa cổ và một khu chùa mới xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm sừng sững trên sườn núi, thấp thoáng mặt hồ xanh ngắt và những ngọn núi đá. Đặc biệt, chùa nằm ngay ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư.
Với độ tuổi hơn 1000 năm, kiến trúc chùa mang đậm những nét đẹp cổ kín đặc trưng từ thời xa xưa. Mặc dù có sự xuất hiện của khu chùa mới, được thiết kế và xây dựng hoành tráng, đồ sộ nhưng vẫn hài hòa với bản sắc truyền thống.
Khi đến đây, bạn sẽ cảm nhận được không gian vô cùng thanh tịnh thoáng mát. Bước vào cổng, bạn có thể đi dọc hành lang tượng la hán chạy dài bao lấy khuôn viên ngôi chùa. Bên trong chùa có nhiều khu vườn nhỏ trồng cây xanh, đặc biệt là cây bồ đề được mang về từ những ngôi chùa Ấn Độ.
Không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, chùa Bái Đính đã dần trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh nổi tiếng. Chùa đã nhận được đến 8 kỷ lục Việt Nam và Châu Á như:
- Chuông đồng lớn nhất Việt Nam
- Tượng Phật Thích Ca cao nhất nặng nhất châu Á
- Bộ tượng Tam thế bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam
- Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á
- Chùa có hành lang La Hán lớn nhất Việt Nam
- Chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam
Điểm danh những nơi du khách nên tham quan tại chùa Bái Đính
Đền thờ thánh Nguyễn
Bên trong quần thể chùa Bái Đính có một ngôi đền với cấu trúc theo kiểu tiền nhất, hậu công. Đây là nơi thờ thiền sư – danh y Nguyễn Minh Không để tưởng nhớ và ghi tạc công ơn của ông. Thiền sư là người đã vô tình phát hiện ra hang động đẹp và cho xây chùa thờ Phật.
Ngoài ra, ông còn là một danh y nổi tiếng chữa bệnh cứu người. Không những vậy, ông còn nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc văn minh Đông Sơn thời Việt cổ nhằm mục đích khôi phục là nghề đúc đồng truyền thống đã mai một.
Hang sáng, động tối
Mặc dù hang sâu đến khoảng 25m, rộng 15m nhưng vẫn có đủ ánh sáng tự nhiên. Bên trong là nơi đặt tượng thờ Phật và đi hết đến cuối hang, bạn có thể rẽ đền thờ thần Cao Sơn linh thiêng. Ở giữa còn có giếng nước tự nhiên giữ cho không khí luôn mát mẻ. Tại đây thờ mẫu và các vị tiên.
Giếng Ngọc
Tại đây, truyền thuyết kể về thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã sử dụng nước sắc từ giếng để chữa bệnh cho nhà vua và cộng đồng. Bao quanh giếng là lan can đá tạo thành một vòng rộng lớn. Nhìn từ đại điện, bạn có thể nhìn thấy giếng Ngọc nổi bật giữa khuôn viên rộng lớn với cây xanh bao phủ. Màu nước xanh ngọc bích của giếng tạo điểm nhấn độc đáo trong bức tranh toàn cảnh của chùa Bái Đính. Đây cũng là giếng chùa được ghi nhận là lớn nhất Việt Nam.
Tháp chuông Bái Đính
Tháp được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, mang kiến trúc mô phỏng theo phong cách của các tháp chuông xưa. Tháp chuông này có ba tầng mái, mỗi tầng mái gồm tám mái ghép, tổng cộng là 24 mái với 24 đầu đao cong vút lên.
Bên trong tháp treo một quả chuông nặng 36 tấn, được công nhận là “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam”. Phía dưới quả chuông đồng này, có một chiếc trống đồng lớn nặng 70 tấn đặt trên nền tháp chuông. Âm thanh mạnh mẽ của chuông chùa Bái Đính vang xa, thể hiện sức mạnh tâm linh của Phật.
Tượng phật Di Lặc
Đây là bức tượng lớn nhất Việt Nam với trọng lượng khoảng 80 tấn và chiều cao 10m, được đặt trên đỉnh một ngọn đồi cao. Từ vị trí này, bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp toàn cảnh của chùa Bái Đính từ phía dưới.
Danh sách những đặc sản nên thử khi đi du lịch chùa Bái Đính
Mắm tép Gia Viễn
Mắm tép Gia Viễn không chỉ là một món ngon đậm đà mà còn mang đậm nét văn hoá độc đáo của vùng cố đô Ninh Bình. Quá trình làm mắm tép đòi hỏi sự kỳ công từ việc chọn lựa những con tép chất lượng đến các bước sản xuất để đảm bảo vệ sinh.
Mỗi hủ mắm tép Gia Viễn có giá khoảng từ 150,000 đến 250,000 VND. Dưới đây là địa chỉ tham khảo:
- Cơ sở sản xuất mắm tép Gia Sinh: Gia Viễn, Ninh Bình
- Cơ sở sản xuất mắm tép Trần Thị Trang: số 68, thị trấn Me, Gia Viễn
Thịt dê, cơm cháy
Thịt dê từ vùng núi Ninh Bình là một trong những sản phẩm đặc sắc được biết đến ở địa phương này. Dê được nuôi thả trên những đỉnh núi, mang lại thịt dê với độ săn chắc và hương vị thơm ngon. Nhiều món ngon từ thịt dê núi như dê nướng, dê hấp, dê tái chanh, nem dê, dê xào lăn, dê tương gừng,… và nhiều món khác.
Giá thịt dê núi Ninh Bình có giá dao động khoảng từ 200,000 đến 400,000 VND. Một số địa chỉ quán thịt dê ngon cho du khách tham khảo:
- Quán Ba Cửa: Thôn Tràng An,Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình
- Quán Cường Dê: Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình
- Quán Chính Thư: Thôn Khê Thượng, Ninh Xuân, Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình
Miến lươn:
Một món đặc sản Ninh Bình mà bạn nên trải nghiệm là món miến lươn, với nước dùng được hầm từ xương lươn và xương ống, tạo nên hương vị ngọt thanh, béo tự nhiên và rất đậm đà.
Để trải nghiệm hương vị độc đáo này, bạn có thể ghé thăm quán miến lươn Dũng Thanh tại địa chỉ 999 Trần Hưng Đạo, phường Vân Giang, Ninh Bình, với giá khoảng 120,000 VNĐ/ phần.
Ốc núi
Ốc núi Ninh Bình thường nằm trong những hang động núi đá vôi Tam Điệp, và không dễ để bạn có thể thưởng thức món này, vì ốc chỉ ra ngoài trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8, khoảng thời gian còn lại chúng nằm sâu trong khe đá.
Muốn ăn được món ngon độc lạ này, bạn phải đến đúng thời điểm thì mới có cơ hội thưởng thức. Giá tham khảo khoảng 100.000 VNĐ – 150.000 VNĐ/ nguời. Danh sách nhà hàng có ốc núi chất lượng:
- Nhà hàng ốc Núi Ninh Bình: Xóm 2, xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình
- Quán ốc bà Thuý: Xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình
- Nhà hàng Hoàng Gia: Xóm 2, xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình
Những địa điểm lưu trú khi đi du lịch Bái Đính Ninh Bình
Khách sạn Bái Đính Ninh Bình
- Địa chỉ: Khuôn viên chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình
- Giá phòng: 800.000 VNĐ/ đêm
Ninh Bình Eco Garden
- Địa chỉ: xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
- Giá phòng: 470.000 VNĐ/ đêm
Tam Family Homestay
- Địa chỉ: xóm 5, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
- Giá phòng: 200.000 VNĐ/ đêm
Ninh Bình Family Homestay
- Địa chỉ: Chùa Bái Đính, xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
- Giá phòng: 500.000 VNĐ/ đêm
Ninh Bình Legend Hotel
- Địa chỉ: 125 Trần Hưng Đạo, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
- Giá phòng: 800.000 VNĐ/ đêm
Những lưu ý khi đi du lịch chùa Bái Đính
- Vì trong suốt hành trình tham quan chùa các bạn sẽ đi bộ khá nhiều đấy, vì vậy bạn nên đi những đôi giày thể thao thay vì bạn đi những đôi cao gót sẽ giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn.
- Ăn mặc gọn gàng, lịch sự, trang nghiêm
- Nếu như muốn mua đồ lưu niệm thì hãy đợi khi xuống núi hãy mua. Vì nếu bạn mua trong khuôn viên chùa sẽ có giá “cắt cổ” đấy.
- Hãy mang theo vài đồng lẻ để quyên góp, cầu may mắn cho bản thân, gia đình.
- Nếu bạn đi dịp đầu xuân thì nên mang theo ô để đề phòng có những cơn mưa phùn nặng hạt nhé.
Là công trình kiến trúc cổ mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt quan trọng, và với những gì chùa Bái Đính đạt được có thể thấy đây là một địa điểm mà tất cả chúng ta nên đến thăm ít nhất một lần trong đời. Và dù là Phật tử hay du khách, ở xa hay ở gần thì đều sẽ có điều kiện thuận lợi đến thăm ngôi chùa lớn nhất Việt Nam này.